Chi bộ 3 tổ chức sinh hoạt Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề Quý IV năm 2024
Chủ trì buổi sinh hoạt chuyên đề do đồng chí Hứa Văn Nhịp, Bí thư Chi bộ, đã nêu rõ mục đích, ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, thường xuyên của Chi bộ, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên thuộc Chi bộ 3 Văn phòng Thanh tra tỉnh về những nội dung cốt lõi “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức và người lao động”.

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề
Mục đích của buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm trang bị cho cán bộ, công chức và người lao động những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác; phương pháp tư duy và kỹ năng nghiên cứu, vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh vào thực thi nhiệm vụ chính trị và chuyên môn tại Chi bộ 3 Văn phòng Thanh tra tỉnh.
Ý nghĩa giúp cho cán bộ, công chức và người lao động thấm nhuần những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, vận dụng vào thực tiễn trong công việc thường ngày mà cán bộ, công chức và người lao động được lãnh đạo phân công giao việc; đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích “Về tinh thần trách nhiệm” và “Không có tinh thần trách nhiệm” như sau:
Để hiểu rõ “Tinh thần trách nhiệm là gì” là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công và “Không có tinh thần trách nhiệm là gì” làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,... Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể hiểu, nêu cao tinh thần trách nhiệm là cán bộ, công chức, người lao động phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai, thất hứa thì phải gánh chịu hậu quả.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau: phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học; phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Khi được Đảng, Nhà nước phân công công việc gì, dù to hay nhỏ, dù quan trọng hay ít quan trọng, dù phức tạp hay ít phức tạp đều phải thấy được công việc đó là rất vinh quang, đáng tự hào, phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, thực hiện hết sức mình để hoàn thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đem lại kết quả cao nhất, nhưng với chi phí thấp nhất. Muốn vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, công chức, người lao động phải luôn luôn ghi lòng, tạc dạ, trao dồi và thực hiện đúng và tốt những đức tính mà cán bộ, công chức, người lao động cần phải có đó là:
Không tự kiêu, không có cái bệnh “làm quan cách mạng”; phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm; cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm; trung thành với mục đích cách mạng: giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do.
Mặt khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không; phải thấy được rằng, công việc nào cũng cần thiết, quan trọng đối với cách mạng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, công chức và người lao động phải có tinh thần tự chỉ trích, tự phê bình. Trung thực trong nhiệm vụ, không tranh công, không đổ lỗi; cầu thị, có chí tiến thủ, khiêm tốn, không kiêu ngạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bất kỳ ai: “Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại”.
Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ 3 rút ra được ý nghĩa quan trọng, trong mỗi cán bộ, công chức và người lao động phải thấy được những hạn chế còn tồn tại để sửa chữa, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phải thực sự cầu thị, luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái; Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ... Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”.
Phải chủ động và thường xuyên thực hiện tốt “5 tự”: Tự mình phải chủ động, tích cực, sáng tạo; phải có tính tự trọng cao; phải biết tự xử với chính bản thân mình trong mọi việc; phải tự giác, tự phê bình và phê bình và không được tự ái; phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao. Hãy phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tự vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của cơ chế thị trường, xây dựng niềm tin và sự tâm huyết của mình. Từ đó, hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được phân công./.